Trên các trang mạng, thậm chí ở một số "nhà thuốc" tự phát, nhiều người đang rao bán một loại hạt được ví như thần dược trị bách độc. Ghi nhận thực tế của PV cho thấy, loại hạt này được người bán giới thiệu có tên là hạt đậu Lào. Chị L.T.Q. (ngụ quận Bình Tân, TP.HCM), người tự nhận là "nhà" phân phối xuyên Việt loại đậu này cho biết, đây là "thần dược" của người Lào.
Loại hạt có tên hạt đậu Lào được quảng cáo là "thần dược" trị bách độc.
"Loại dược liệu này xuất xứ từ Lào chứ không phải của Việt Nam. Chúng được người dân địa phương hái trong rừng già rồi phơi khô chứ không phải người dân trồng được. Tác dụng của nó hút tất cả các loại nọc độc của côn trùng, rắn, rết, chó, mèo,...", chị Q. quảng cáo.
Với tác dụng thần kỳ trên, người này cho biết, hạt đậu Lào có giá từ 50.000-100.000 đồng/hạt, 6-8 triệu đồng/kg.
Theo quan sát của PV, loại hạt này vỏ nhẵn bóng, màu đen vằn, hình dáng giống hạt đậu đen nhưng to bằng đầu ngón tay cái.
Để tranh thủ lòng tin của khách hàng, người bán cho biết, hạt đậu Lào là phương pháp chữa độc côn trùng cắn tối ưu vì rẻ tiền, tiện lợi, đơn giản và hiệu quả nhất.
Người kinh doanh hạt đậu Lào qua mạng tên "Thaoduoctribachdoc" cho biết: "Nói hạt đậu Lào là phương pháp chữa độc côn trùng cắn tối ưu vì chỉ cần chẻ đôi hạt đậu, đắp lên vết cắn là xong. Đậu sẽ hút độc ra, khi nào hút hết chất độc, đậu sẽ tự bong ra. Sử dụng đậu này chúng ta không cần phải tốn nhiều tiền, uống nhiều loại thuốc, nằm viện,... chỉ nửa hạt đậu là xong".
Tuy nhiên, khi được hỏi về dược lý, nguyên lý hút độc của loại hạt này, người bán đều không trả lời được. Thay vào đó, những người này chỉ cho biết, từ lâu dân gian đã sử dụng và khẳng định có hiệu quả. Dù vậy, theo ghi nhận của PV, trước những lời quảng cáo có cánh, nhiều chị em phụ nữ đã dốc hầu bao mua loại hạt này về sử dụng.
Cất vội túi hạt đậu Lào vừa mua vào cốp xe, chị N.T.N.Q. (34 tuổi, ngụ huyện Bình Chánh, TP.HCM) cho biết: "Trước đây, khi còn ở Cao Bằng, tôi từng thấy một chị người Mường sử dụng một loại hạt để trị vết rết cắn. Họ cũng đắp lên vết cắn như người bán đậu này quảng cáo. Do đó, tôi tin loại hạt cô người Mường kia sử dụng chính là hạt đậu Lào. Nay thấy có người bán, tôi đặt mua về nhà tích trữ, phòng khi có bị chó mèo cắn, mụn nhọt có cái mà sử dụng".
Chưa được y văn ghi nhận
Đáng nói hơn, tìm hiểu thực tế PV nhận thấy, nhiều người còn lùng mua loại hạt này để sử dụng vào mục đích chữa mụn nhọt, vết côn trùng cắn cho trẻ sơ sinh. Chị V.T.H. (30 tuổi, ngụ huyện Hóc Môn, TP.HCM), người kinh doanh hạt đậu Lào qua mạng xã hội cho biết, chị nhập hàng từ chợ Mường Thanh, tỉnh Điện Biên.
"Tôi có bà con trên đó và người này quay luôn clip chứng minh người ta chẻ đôi hạt đậu đắp vào bắp chân cho một em bé mới vài tháng tuổi để hút nọc ong đốt. Tôi cũng từng dùng hạt này để hút độc cho con tôi khi cháu bị mụn nhọt. Hiện, nhiều người mua hạt với tôi cũng cho biết họ dùng để hút chất độc cho con nít khi bị côn trùng cắn và thấy rất hiệu quả", chị H. quả quyết.
Trong khi đó, khi được nghe PV chia sẻ những thông tin trên, các chuyên gia y tế lại cho rằng, việc người dân sử dụng loại hạt này để chữa trị khi bị rắn, chó, mèo,... cắn là việc làm hết sức nguy hiểm. Càng nguy hiểm hơn, khi người dân sử dụng phương pháp này để chữa trị cho trẻ em.
Theo đó, các chuyên gia y tế khẳng định, cho đến thời điểm này, chưa có một tài liệu, y văn nào ghi nhận dược tính cũng như tác dụng thực của hạt đậu Lào. Khẳng định thông tin này, Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Xuân Hướng, nguyên Phó Chủ tịch Trung ương hội Y học dân tộc cổ truyền Việt Nam cho biết, ông chưa ghi nhận công dụng chữa độc côn trùng cắn của hạt đậu Lào.
Cùng quan điểm, các lương y có tiếng trong lĩnh vực y học cổ truyền đều cho biết, họ chỉ nghe nói về hạt đậu Lào có tác dụng hút nọc độc và chữa trị mụn nhọt trong dân gian mà chưa từng được nghe, đọc về loại "dược liệu" này trong các tài liệu y học.
Cụ thể, TS.BS Trương Thị Ngọc Lan, Phó Viện trưởng viện Y học dân tộc TP.HCM cho biết: "Thực ra xưa nay, hạt đậu Lào không dùng để làm thuốc chữa bệnh. Tuy nhiên, người ta nói rằng người Mường sử dụng hạt này để chữa khi bị rắn độc, rết cắn. Thậm chí về sau này, người ta còn cho rằng khi bị mèo, chó cắn chỉ cần để hạt lên vùng vết thương để hút chất độc ra. Song, cho đến nay, chưa có một công trình nghiên cứu nào cho thấy loại hạt này có tác dụng chữa bệnh".
Cũng theo TS Lan, nếu sử dụng loại hạt này để chữa khi bị các loại côn trùng không có độc, ít nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng con người thì sẽ ít gây nguy hiểm. Tuy nhiên, nếu sử dụng loại hạt này để đắp lên vết thương khi bị rắn độc, chó, mèo cắn,... là việc làm không được khuyến cáo.
Người bán khuyến cáo khách hàng mua hạt đậu Lào để sử dụng thay cho thuốc tây.
"Rắn độc cắn có thể rất nguy hiểm đến tính mạng, chó, mèo cắn có thể khiến người bị cắn mắc bệnh dại. Bây giờ dùng một loại đậu mà mình không biết thực tế nó có hiệu quả hay không, chưa hề có một công trình nghiên cứu tác dụng để chữa trị là việc làm thiếu tính khoa học. Theo tôi, thay vào đó, chúng ta nên học các phương pháp sơ cấp cứu để áp dụng khi có trường hợp bị rắn, chó, mèo cắn rồi chuyển bệnh nhân đến bệnh viện", TS.BS Lan nói thêm.
Ngoài ra, vị Phó Viện trưởng viện Y học dân tộc TP.HCM cũng thông tin, hiện nay, việc chữa trị cho bệnh nhân bị rắn, chó, mèo cắn,... đã rất đơn giản, dễ dàng và hiệu quả.
"Cụ thể, nếu bị rắn độc cắn, ta đã có các loại huyết thanh, bị chó mèo cắn, ta nên đi chích ngừa. Và, chúng ta đã thấy hiệu quả tốt, đã qua nghiên cứu, kiểm chứng của các phương pháp này rồi. Do đó, thay vì sử dụng một phương pháp theo kiểu "hên xui, may rủi" bằng cách dùng loại hạt đậu chưa biết rõ tác dụng, chúng ta nên tuân theo, áp dụng các biện pháp đã được y học nghiên cứu", chuyên gia này khuyến cáo.
Có thể đánh mất thời gian vàng để cứu bệnh nhân
TS.BS Trương Thị Ngọc Lan, Phó Viện trưởng viện Y học dân tộc TP.HCM cho biết: "Xưa nay, trong các thuốc của y học cổ truyền cả thuốc Nam và thuốc Bắc, hạt đậu Lào chưa được sử dụng với dạng là dùng thuốc. Việc sử dụng một cách tùy tiện loại hạt này trong các trường hợp bị rắn độc, chó mèo cắn là rất nguy hiểm vì chúng ta sẽ mất đi "thời gian vàng". Trong khi đó, chúng ta cần thời gian này để cấp cứu cho bệnh nhân".
nguoiduatin.v
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét